Làm giàu, tích lũy tài sản thực sự là một quá trình khó khăn vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhiều tấm huyết và sự nỗ lực liên tục. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi điểm qua 7 khó khăn trong quản lý tài chính phải đối mặt khi làm giàu để hiểu hơn chặng đường gian nan mà bạn phải trải qua trong giai đoạn đầu của sự nghiệp.

1. Thu nhập thấp

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, hầu hết ai cũng phải đối diện với 1 thử thách rất lớn mang tên thu nhập thấp. Mỗi tháng sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt chỉ còn rất ít tiền dư để tiết kiệm chứ đừng nói gì đến việc đầu tư. Trong khi trên thị trường ai cũng khuyên bạn phải bắt đầu với việc bạn cần phải đầu tư từ sớm nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu để đầu tư thì ít ai nhắc tới.

Chính vì thế, chúng tôi tin rằng, bên cạnh việc quản lý tài chính thật tốt thì việc ưu tiên quan trọng nhất là tập trung toàn bộ cho công việc tạo ra nguồn thu nhập chính của bạn. Phát triển các kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn,… để bạn có thể đi làm và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.

2. Áp lực chi tiêu và kiểm soát cảm xúc

Khó khăn thứ hai trong quá trình làm giàu là áp lực chi tiêu và kiểm soát cảm xúc. Khi chúng ta đi làm được nhiều năm, kinh nghiệm dày dặn hơn chúng ta bắt đầu có mức thu nhập tốt. Nhiều người trong chúng ta thường phải đối diện với nỗi trăn trở lớn hơn. Làm sao quản lý tài chính tốt trước những cám dỗ của truyền thông, của cảm xúc. Cứ mỗi lần chúng ta có thu nhập cao hơn, mức chi tiêu của chúng ta cũng tăng tương ứng.

Mình xin kể một câu chuyện tường chừng không liên quan nhưng lại rất liên quan câu chuyện về thí nghiệm kẹo bông dẻo. Giáo sư Walter Mischel bắt đầu phát kẹo bông dẻo cho những đứa trẻ từ 4 đến 5 tuổi. Ông đưa mỗi đứa trẻ một viên kẹo bông, sau 15 phút ông quay lại. Đứa trẻ nào vẫn còn giữ được một viên kẹo trên tay ông sẽ cho thêm một viên nữa thành hai viên, còn nếu đã lỡ ăn hết trước đó rồi thì sẽ không được nhận thêm.

Bạn đoán xem là kết quả như thế nào? Hầu hết những đứa trẻ khi khảo sát ăn ngay chiếc kẹo đầu tiên của mình và dĩ nhiên những đứa trẻ này không có được chiếc kẹo thứ hai.

Điều này lặp lại với chúng ta ngay cả khi chúng ta lớn lên ai cũng biết nên tiết kiệm tiền, nên quản lý tài chính tốt nhưng mà ta lại rất khó có thể tự kiểm soát bản thân mình khi đứng trước cám dỗ dù biết rằng điều đó tốt cho bản thân mình.

3. Tâm lý muốn làm giàu nhanh chứ không muốn giàu chậm

Khó khăn thứ ba chúng ta sẽ thường gặp phải là tâm lý muốn giàu nhanh không muốn giàu chậm. Để minh họa cho luận điểm này có một giai thoại khá là hay:

Trong một lần gặp mặt Jeff Bezos – ông chủ cửa hàng triệu đô Amazon – đã hỏi nhà đầu tư uyền thoại Warrent Buffett một câu với đại ý rằng:

“Triết lý đầu tư của ông có thể nói là vô cùng đơn giản, nhưng tại sao mọi người lại không muốn học hỏi theo cách làm giàu như vậy?”

“Huyền thoại xứ Omaha” đã trả lời rằng:

“Bởi vì không ai muốn giàu lên một cách chậm rãi cả.”

Câu nói này đã phản ánh đúng thực trạng về quản lý tài chính của con người hiện nay. Chúng ta rất khó kiên nhẫn để chờ đợi tiền lãi từ khoản tiết kiệm ngân hàng 7%/năm hay luôn không hài lòng với mức sinh lời từ cổ phiếu 15%-20%/năm mà luôn đi tìm những cơ hội gia tăng tài sản nhanh chóng trong thời gian ngắn.

4. Quản lý tài chính tốt cần rất nhiều sự kiên nhẫn

Việc tích lũy tài sản thường đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Nhiều người muốn thấy kết quả ngay lập tức mà không sẵn lòng chờ đợi quá trình tích lũy một cách dài hạn. Giống như việc chúng ta theo một chế độ ăn nghiêm ngặt và mong rằng có thể giảm cân nhanh chóng.

Việc siết chố độ ăn có thể đem đến hiệu quả ngay tức thời. Tuy nhiên cơ thể bạn lại không duy trì trì được cân nặng đó. Cuối cùng chúng ta thường vì chán nản nên chọn việc từ bỏ chế độ ăn. Ta ăn nhiều hơn để bù đắp lại việc siết cân trước đó và rồi ta bắt đầu tăng cân trở lại.

Mình nhớ về khoản đầu tư đầu tiên của mình, cách đây mười mấy năm khi đó mình đầu tư vào một quán cà phê nhỏ. Trước khi đầu tư mình có cẩn thận xem các báo cáo tài chính của các chi nhánh đã mở trước đó. Các chi nhắn khác đang kinh doanh khá là tốt, việc quản lý tài chính và các chỉ số tài chính cũng tốt luôn. Đợt đó tụi mình mở ở khu vực Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng đầu tiên ngon lắm, mình nghĩ rằng

“Ổn rồi, thương vụ này đầu tư ngon rồi”

Vậy mà đến tháng thứ 13, cửa hiệu cà phê đóng cửa, quán phải trả mặt bằng, mình thua lỗ một khoản và không thu hồi lại được.

Sau đó, mình rút kinh nghiệm, chậm rãi khi tiếp cận và kiên nhẫn hơn trong việc đầu tư. Dù sau này đầu tư thêm rất nhiều khoản khác đi nữa, sau nhiều năm trầy da tróc vẩy, những lần vấp ngã đầu tiên đã giúp mình học được cách xây dựng doanh nghiệp ra sao, cách xây dựng sản phẩm, dịch vụ, cấu trúc chi phí thế nào doanh nghiệp mới có lợi nhuận một cách ổn định.

Mình nghĩ việc kiên nhẫn và kiên định trong quản lý tài chính, tích lũy đầu tư có thể là thách thức thực sự lớn đối với nhiều người vì kết quả thường không tới ngay.

5. Không có tiền tích lũy đủ để sẵn sàng đầu tư khi cơ hội tới.

Giả sử:

  • Bạn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp nhưng lại không có đủ tiền để tham gia các khóa học hay thi chứng chỉ để nâng cao năng lực.
  • Bạn thấy cơ hội hay bạn được mời tham gia góp vốn vào một khoản đầu tư bạn hiểu rất rõ.

Nhưng vốn thì có hạn, bạn không đủ năng lực về tài chính để bắt lấy được cơ hội, gia tăng thu nhập, đầu tư sinh lời tốt hơn.

Tích lũy là bước đầu tiên để đầu tư. Bạn không thể đầu tư nếu không có sẵn một khoản tiền từ trước. Nếu phải đi vay để đầu tư thì sẽ phát sinh thêm vấn đề trả lãi, lợi nhuận buộc phải cao hơn so với chi phí lãi. Chưa hết không phải lúc nà nào bạn cũng có thể vay được mức lãi suất tốt.

Khi đó, tầm quan trong của việc quản lý tài chính tốt lại được thể hiện một cách mạnh mẽ. Nếu quản lý tài chính tốt, kiểm soát chi phí tốt, tích lũy cho mình được 1 khoản tiết kiệm đủ nhiều, chắc chắn bạn sẽ nắm được cơ hội nếu tiềm lực về tài chính đủ mạnh.

6. Luôn luôn tồn tại biến động bất ngờ trên thị trường

Khi bạn đã có những khoản tích lũy đủ lớn và  bắt đầu xuống tiền đầu tư thì chúng ta phải đối diện với một sự thực là cuộc sống không lúc cũng bằng phẳng. Nền kinh tế có thể giảm tốc thị trường chứng khoán có thể đi xuống, thị trường bất động sản bị đóng băng, có những thời điểm rất khó khăn trong việc kinh doanh. Chính vì thế, những khoản đầu tư của bạn có thể bị thua lỗ bất kỳ lúc nào.

Mỗi một thị trường từ kinh doanh, chứng khoán, bất động sản sẽ có vài năm thực sự thử thách. Mỗi loại hình đầu tư đều đi kèm với một mức độ rủi ro riêng và không có khoản đầu tư nào là hoàn toàn không có rủi ro cả. Sự không chắc chắn và biến động có thể làm giảm giá trị của khá khoản đầu tư của bạn.

Chính vì thế, trong những giai đoạn này, tâm lý và hành động của bạn là điều quan trọng nhất. Nếu là người có năng lực quản lý tài chính cá nhân tốt, bạn sẽ luôn có những khoản dự phòng để bản thân mình không bị cảm thấy nguy hiểm trong những giai đoạn này.

Không chỉ thế, việc phân bổ nguồn vốn hợp lý sẽ giúp bạn tránh được những gánh nặng về tâm lý nếu khoản thua lỗ quá nặng, giúp bạn không ảnh hưởng đến công việc.

7. Thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân

Hiển nhiên, một thứ luôn được song hành trong cả 6 khó khăn trên luôn là quản lý tài chính cá nhân. Nếu bạn thực hiện việc này tốt, thực ra sẽ chỉ có 6 khó khăn mà thôi, nhưng nếu kỹ năng này bạn vẫn còn thiếu thì nó sẽ là một khó khăn rất lớn.

Việc quản lý tài chính cá nhân tốt sẽ giúp bạn:

  • Giải quyết được khó khăn số 1: Thu nhập càng thấp, càng phải quản lý chi tiêu tốt để xoay sở cuộc sống.
  • Giải quyết được khó khăn số 2: Quản lý chi tiêu, tránh được việc tiêu xài quá mức, theo cảm xúc, lập ngân sách chi tiêu để mình chi tiêu phù hợp cho các hạng mục.
  • Giải quyết được khó khăn số 3: Khi nhận ra việc tích lũy tài sản không thể tăng nhanh trong ngày 1 ngày 2, bạn sẽ từ tốn hơn với việc làm giàu.
  • Giải quyết được khó khăn số 4: Kiên nhẫn hơn trong đầu tư, trong kinh doanh, trong bất kỳ một cơ hội nào.
  • Giải quyết được khó khăn số 5: Có sự chuẩn bị cho bất kỳ một cơ hội nào có thể xuất hiện với mình
  • Giải quyết được khó khăn số 6: Luôn tích lũy cho mình một khoản tiết kiệm đủ để xử lý các tình huống khẩn cấp mà bạn có thể gặp phải khi thua lỗ, kinh tế khó khăn.

Trên đây là những kinh nghiệm trong việc làm giàu, tích lũy tài sản, quản lý tài chính mà mình đã tự đúc kết được trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn vững tin hơn và nhận thức được rõ ràng những khó khăn mà mình sẽ gặp phải để có cách phản ứng phù hợp.