Mình nghĩ đầu tư và gầy dựng tài sản là hai thứ được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Đặc biệt ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia đầu tư với mong muốn đạt được thành công. Nhưng sự hạn chế trong nguồn vốn là một trong những vấn đề gây cản bước. Nó khiến nhiều bạn phải đau đầu cân nhắc không biết nên đầu tư thế nào.

Trong bài blog này mình xin chia sẻ về vài gợi ý với số vốn nhỏ tầm 100 triệu đồng thì nên đầu tư gì?

Khi nhắc đến đầu tư, chúng ta đồng thời cần phải để ý đến đến rủi ro, vì vậy bạn sẽ có lợi hơn nếu có thể chắc chắn rằng mình sẽ không cần đến số tiền mình đang đầu tư trong một thời gian dài – tốt nhất là từ 3-5 năm trở lên.

Thế nên, trước khi đi vào chủ đề đầu tư gì, mình nghĩ trước tiên bạn nên giải quyết hai vấn đề tài chính sau:

1. Trả hết khoản nợ có lãi suất cao

Ở bước này, bạn cần rà soát lại tất cả các khoản nợ hiện có của bạn:

Nợ người thân, nợ bạn bè.

nợ thẻ tín dụng, nợ vay ngân hàng.

Bạn xếp chúng lần lượt theo thứ tự, khoản nợ có lãi suất cao ở trên cùng, và ở dưới lần lượt là các khoản nợ có lãi giảm dần. Nếu bạn không có khoản nợ nào, thì hãy bỏ qua phần 1, và đến thẳng phần 2.

Còn nếu bạn đang gánh nhiều khoản nợ lãi suất cao, tốt hơn nếu bạn trả hết ít nhất một phần trong số đó trước khi đầu tư. Mặc dù bạn không thể dự đoán chính xác lợi tức của hầu hết các khoản đầu tư của mình, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng việc trả một khoản nợ với lãi suất ví dụ là (20%/năm) sớm một năm cũng tốt như kiếm được 20% tiền lãi từ số tiền của bạn.

Thế nên, trước khi bắt đầu đầu tư, mình đề xuất bạn nên tích cực cố gắng thanh toán các khoản nợ để giảm số dư nợ, khoản phải trả sẽ PHỦ NHẬN bất kỳ khoản lãi nào bạn kiếm được từ các khoản đầu tư của mình.

2. Xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp

Đầu tư cần nhiều thời gian, và kiên nhẫn. Bạn cần đảm bảo rằng bạn vẫn ổn và nếu chẳng may bạn bị mất việc làm hoặc nếu một vấn đề bất ngờ xảy ra trong hành trình đó.

Thế nên, bạn cần xây dựng một quỹ có thể giúp bạn duy trì cuộc sống sinh hoạt ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Đây chính là quỹ dự phòng quan trọng mà bạn cần phải thiết lập, phòng cho trường hợp bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, hoặc bất kỳ biến cố nào xảy ra trong hành trình đầu tư của bạn.

Ví dụ: Một tháng bạn cần chi tiêu tầm 6 triệu, vậy thì bạn cần có tối thiểu là 18 triệu cho 3 tháng trong quỹ dự phòng.

Ngay khi bạn trả được hầu hết các khoản nợ của mình, và bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp, **chỉ khi đó bạn mới nên bắt đầu đầu tư tiền của mình.

3. Đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ

Thực tế, đã là con người hẳn là ai cũng muốn trở nên dư dả để sống một cuộc sống tốt hơn. Và tất nhiên, không ít người mong muốn đạt được mục tiêu giàu có càng sớm càng tốt.

Chính vì vậy, theo quan sát cá nhân của mình, chúng ta có xu hướng liều lĩnh hơn và tìm mọi cách để nhanh chóng làm giàu.

Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư mới thường tìm đến cổ phiếu và các tài sản có sự biến động giá trong thời gian ngắn. Tuy nhiên chính ham muốn làm giàu nhanh khiến chúng ta có xu hướng đầu tư một cách mù quáng, sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn để thu được lợi nhuận nhanh chóng. Trước khi đi tiếp, mình mong bạn dành thời gian để trả lời bằng cách cmt bên dưới giúp mình nhé:

Số vốn bạn dự định giành cho việc đầu tư?

Bạn có khả năng không đụng đến phần vốn này trong vòng 3 năm tới không?

Nếu bạn mất 70 – 80% số vốn này, thì bạn có nguồn dự phòng nào không? Bao lâu thì bạn cover được khoản lỗ này đó?

Như mình đã chia sẻ ở phần trước, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro. Bạn không thể đoán trước được thị trường sẽ diễn biến như thế nào, nên rất dễ rơi vào cảnh thua lỗ nếu gặp phải những tình huống xấu. Nếu bạn thấy vẫn ổn sau khi trả lời 3 câu hỏi trên, mình nghĩ, bạn đã sẵn sàng cho việc đầu tư rồi đó. Bắt đầu nhé…

Với số vốn nhỏ, mình nghĩ đầu tư chứng khoán có thể là kênh phù hợp để bạn bắt đầu với số tiền chục triệu, trăm triệu hoặc cao hơn. Thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu cho thấy sự tăng trưởng trở lại những tháng gần đây. Với 100 triệu bạn có khá nhiều lựa chọn với các cơ hội đầu tư khác nhau tùy theo mức độ rủi ro và kỳ vọng sinh lời của mình.

Cổ phiếu: Hình thức này giúp nhà đầu tư sở hữu một phần vốn điều lệ của công ty và có quyền được hưởng cổ tức hàng năm nếu công ty kinh doanh tốt. Nhà đầu tư không cần trực tiếp tham gia vào quản lý và giám sát thường xuyên các hoạt động của doanh nghiệp. Cổ phiếu một số ngành được đánh giá cao, giá thấp, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này có nền tảng cơ bản tốt, đủ tiềm lực vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng.

Trái phiếu: Khác với cổ phiếu, lãi suất của trái phiếu không bị phụ thuộc và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Bất kể dù lãi hay lỗ, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả đủ số vốn và lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trái phiếu vẫn là phương thức đầu tư và việc doanh nghiệp phát hành bị mất cân đối tài chính, không thể trả nợ chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng xấu đối với phần vốn bạn bỏ ra. Vì thế, bạn cần xem xét kỹ lưỡng và chọn ra các công ty uy tín trước khi quyết định nhe.

Chứng chỉ quỹ: Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư tài chính, hoặc không có nhiều thời gian để phân tích doanh nghiệp, lựa chọn cổ phiếu giữa hằng hà sa số công ty, thì lựa chọn chứng chỉ quỹ chính là một giải pháp ổn. Tại các quỹ bạn tham gia, sẽ có các chuyên gia tài chính trực tiếp đầu tư. Họ có thể điều chỉnh, cân đối hợp lý các danh mục đầu tư, để đảm bảo an toàn và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu lựa chọn hình thức này, bạn nên cân nhắc giữa các chứng chỉ quỹ khác nhau, và lưu ý mức phí hợp lý.

Kinh doanh: “Start-up” hoặc kinh doanh nhỏ cũng là một kênh được đa số những người trẻ tuổi lựa chọn. Bạn có thể nhập một ít hàng về, hoặc tận dụng thế mạnh của bản thân để tự thử kinh doanh gì đó.

4. Đầu tư cho bản thân

Tỷ phú Warren Buffett đã từng chia sẻ bí quyết giúp ông thành công, đó chính là đầu tư vào bản thân càng nhiều thì càng tốt, bởi theo ông, tài sản lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại là chính bản thân mình.

Câu châm ngôn “Đầu tư vào bản thân không bao giờ lỗ”, theo mình nghĩ đúng trong nhiều trường hợp. Bằng cách đầu tư và tham gia thị trường, bạn đang chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, đầu tư cho chính bản thân bạn thì không như vậy. Mặc dù nó có thể không có kết quả rõ ràng ngay lập tức, nếu bạn kiên định, và kiên nhẫn, bạn dần dà sẽ thấy bản thân mình phát triển.

Bằng cách sử dụng số tiền nhỏ để học hỏi kinh nghiệm của người khác và tiến hành tự nghiên cứu thay vì chỉ chạy theo thị trường một cách mù quáng, bạn có thể giảm rủi ro và tăng tự tin khi đưa ra các quyết định tài chính.

Đầu tư và nâng cấp bản thân sẽ giúp tăng thu nhập của bạn một cách đáng kể. Từ đó, lượng vốn sẵn có để đầu tư tăng lên.

Cuộc sống, theo quan điểm cá nhân của mình, là một quá trình đầu tư liên tục, bạn đầu tư vào mình thì chính bạn sẽ là người gặt hái kết quả. Như triết gia người Pháp Albert Camus từng nói: “Sự hào phóng lớn nhất cho tương lai là cống hiến mọi thứ cho hiện tại”.

Mỗi người có một mục tiêu tài chính, khi đầu tư khác nhau, mình mong bạn luôn tỉnh táo và sáng suốt để đưa ra quyết định phù hợp nhất với mình. Mình rất mong bạn đừng nghe ai khác, hãy làm điều mình dự định, và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Hy vọng qua chia sẻ trên đây các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi có ít tiền nên đầu tư gì.