Ai trong chúng ta nếu quan tâm đến Tài chính cá nhân, thế nào cũng gom được hàng tá nguyên tắc về tiền bạc đầy rẫy trên mạng, nhiều lúc chả biết cái nào đúng cái nào sai. Rồi dần dà, theo thời gian, mỗi người sẽ tìm được bộ nguyên tắc phù hợp với bản thân sau khi áp dụng nó, vì về cơ bản dù có là 100 mẹo tiền bạc đi nữa thì quanh đi quẩn lại nó vẫn gom về vài nguyên tắc cơ bản. Hôm nay mình xin mạn phép chia sẻ 1 nguyên tắc của tiền bạc mà nó đúng với cá nhân mình.

Để bắt đầu nguyên tắc đầu tiên này, mình xin kể câu chuyện. Chuyện là…

Một ngày nọ, ở một thị trấn ven biển, có tin là một cơn bão chuẩn bị đổ bộ. Khi gió nổi lên, và thuỷ triều bắt đầu dâng cao, lực lượng an ninh vội vã di chuyển từ nhà này sang nhà khác, hướng dẫn người dân cách sơ tán. Bằng cách nhanh nhất có thể, người dân trong thị trấn nhỏ chất đầy những tấm ảnh gia đình, quần áo, tiền bạc và những giấy tờ quan trọng, rời đi – chỉ trừ một người. Ông vẫn trả lời một cách điềm tĩnh khi đội cứu hộ gõ cửa nhà, ông bảo “Không, tôi sẽ ổn thôi. Chúa sẽ chăm sóc cho tôi.”

Khi thị trấn bắt đầu ngập, kèm theo những dòng nước xoáy lớn, một chiếc thuyền với một đội cứu hộ tìm cách đến nhà của người đàn ông, thúc giục ông leo lên tàu cứu hộ. Một lần nữa, người đàn ông tự tin nói, “Không sao đâu, tôi sẽ ổn thôi. Chúa sẽ chăm sóc cho tôi”

Khi nước dâng lên ngập gần như toàn bộ căn nhà, người đàn ông ấy vẫn ngồi trên mái nhà của mình, một chiếc trực thăng của cảnh sát xuất hiện, và họ đưa thang xuống, hòng đưa người đàn ông tới nơi an toàn. Một lần nữa ông lại từ chối, và la lớn: “Không, tôi sẽ ổn thôi. Chúa sẽ chăm sóc cho tôi”. Và đó cũng là lần cuối, một giờ sau đó, nước lũ dâng cao hơn và nhấn chìm mọi thứ…

Khi tới thiên đường, người đàn ông cảm thấy bối rối và bị phản bội, ông xuất hiện trước mặt Chúa và hỏi “Tại sao người không để ý, và cứu tôi khỏi cơn bão?”, Chúa trả lời “Ta đã cố gắng đấy, ta đã gửi lời thông báo, rồi một chiếc thuyền cứu sinh, và cả một máy bay trực thăng! Ông còn muốn ta làm gì nữa đây?”

Khi mình bắt đầu chia sẻ về tài chính cá nhân, mình thấy buồn khi nhìn sâu vào khuôn mặt những người đang gặp rắc rối tài chính. Nhiều người trong số đó thực sự thông minh, và tử tế. Mình đã tự hỏi là: Điều gì đã xảy ra vậy?

Phải mất kha khá thời gian, mình mới nhận ra câu trả lời. Những người này giống như người đàn ông trong câu chuyện ngụ ngôn trên, họ không biết hoặc để tâm đến các dấu hiệu về vấn đề tài chính mà họ cần phải chú ý. Họ không biết phải làm gì với tiền của họ, và khi nào cần phải hành động.

Đây có phải là bạn không, khi bạn cảm thấy tiền bạc là chủ đề rất đỗi riêng tư và cần phải được giấu kín, bí mật của riêng bạn. Bởi vì bạn đối xử với tiền như một bí mật, nên có lẽ bạn chưa có cơ hội khám phá các nguyên tắc về tiền bạc.

Và đó là khi các rắc rồi bắt đầu: Dẫu cho bạn không biết gì về nguyên tắc, nhưng có thể mình đang vi phạm điều gì đó. Chúng ta vẫn phải chịu hậu quả.

Nguyên tắc số 1: Hãy thành thật với tiền bạc Theo quan sát cá nhân, ở các mức độ khác nhau, hầu hết mọi người đều nói dối về tiền bạc. Họ có thể phóng đại những gì họ có, để thể hiện họ là ai? Mình nghĩ, với sự cường điệu này, có thể dẫn đến việc huỷ hoại sự giàu có của họ, cũng như những người thân yêu của họ.

Mình muốn cùng với bạn thành thật với chính mình ngay bây giờ. Giả sử, bạn tìm được một chiếc đồng hồ, một bộ cánh đắt tiền, một con xe mới tuyệt đẹp trị giá vài chục triệu đồng, hoặc hàng trăm triệu. Bạn biết rằng mình không đủ khả năng để mua nó, nhưng bạn vẫn cứ mua nó để khiến người khác tin rằng bạn đang rất ổn. Mình đưa ra ví dụ này vì nó khiến mình nhớ lại mình giai đoạn đầu khi đi làm. Khi đó, mình khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền, laptop, con xe đắt tiền chỉ để gây ấn tượng với người khác.

Ví dụ này với bạn, vẫn chưa đủ đô. Mình cùng với nhau thực hiện bài trắc nghiệm sau nhé. Mình mong bạn tạm dừng podcast, lấy ra mảnh giấy, cây viết. Sẵn sàng chưa. Lần lượt, sẽ có 10 câu hỏi, bạn hãy nghe các câu sau, sau đó đánh giá tính chính xác của các tình huống này với bạn bằng cách phản hồi:

Luôn luôn (Always)

Thông thường (Usually)

Đôi khi (Sometimes)

Không bao giờ (Never) nhé

 

Hãy cùng quan sát mình xem, bạn đã đánh dấu vào cột nào nhiều nhất nhé. Bạn có bao nhiêu dấu ‘tick’ trong cột luôn luôn đó, chia sẻ với mình nhé.

Nếu bạn đánh dấu “luôn luôn” 8 – 10 lần, nhu cầu gây ấn tượng với người khác của bạn khả năng lớn sẽ dẫn bạn đến những lựa chọn huỷ hoại đời sống tài chính của bạn. Hãy cẩn trọng những lời nói dối tưởng chừng vô hại. Rất có thể bạn đang có một khoản nợ, và đang trên bờ vực khó khăn.

Nếu bạn đánh dấu “luôn luôn” 5 – 7 lần, bạn đang đùa cợt với sự thật về tài chính của bạn. Bạn có lẽ sẽ trả giá đắt cho việc thực hiện các quyết định dựa trên những gì người khác nghĩ về bạn, thay vì những điều tốt nhất cho bạn.

Nếu bạn đánh dấu “luôn luôn” 2 – 4 lần, bạn dễ bị tổn thương bởi mong muốn gây ấn tượng với người khác. Hãy cảnh giác nghe, mình đoán bạn thường phóng đại mọi thứ qua lời nói hơn là hành động.

Nếu bạn đánh dấu “luôn luôn” 0 – 1 lần, xin chúc mừng, bạn có xu hướng thành thật với chính mình trong mối quan hệ với người khác. Hãy tiếp tục phát huy nghen.

Nhìn lại những câu hỏi bạn đã trả lời nghe. Dù kết quả có ra sao, mình tin là bạn không cô đơn đâu, chúng ta bằng một cách nào đó đã phát triển thói quen chối bỏ trách nhiệm với tiền bạc. Nếu số lần bạn đánh dấu luôn luôn hơi cao, thì mình nghĩ bạn cần bắt đầu hành động để thay đổi chúng, và bước đầu tiên là thành thật với đời sống tài chính của bạn. Bạn cần phải hành động, cũng giống như bạn, như mình, luôn có nhu cầu – và cảm thấy – cần phải nói sự thật. Cũng như ta cần không khí để thở, đồ ăn và nước uống vậy đó.

Nếu bạn đang phải đối mặt với những khoản nợ nghiêm trọng, bạn có đang lừa dối bản thân là bạn sẽ sớm được tăng lương, và bạn sẽ trả nợ nhanh hơn. Nhìn lại những năm vừa qua, xem điều đó có đúng không, khi bạn làm ra được nhiều tiền hơn, bạn cũng mắc nợ nhiều hơn?

Nếu bạn bị thua lỗ khi đầu tư chứng khoán, bất động sản, bạn có nói dối với bản thân bạn rằng, do xui thôi, do thị trường này kia, mà bạn biết rõ là do chính mình đã FOMO, đã ham đánh quả, đã chưa nghiên cứu đủ kỹ, …

Tóm lại, mình nghĩ là:

Khi sự giả dối len lỏi vào các vấn đề tài chính của bạn, cuộc sống của bạn ắt sẽ rất là đau khổ

Sự thật không thể thay đổi, dẫu cho bạn muốn che giấu chúng thế nào đi nữa

Hãy cẩn thận, đừng để số tiền bạn tiêu, thứ bạn mua trở thành thước đo cho sự thành công của bạn

Hãy thành thật với bản thân và những người xung quanh bạn, về mặt tài chính, bạn có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều, không có tiền để có thể tham gia những cuộc chơi cùng những người bạn, thì cũng hãy thẳng thắn chia sẻ điều đó. Thành thật hay ra dẻ, lảng tránh sự thật về tiền của bạn. Lựa chọn nằm ở bạn. Thế nào, bạn đã sẵn sàng để thay đổi hay chưa?

Còn vài nguyên tắc về tiền bạc nữa, nếu bạn cảm thấy chủ đề này hữu ích, có thể chia sẻ góc nhìn của bạn ở đây nghe.