Mình nghĩ, ở hai tập Podcast trước, khi bạn học cách để thành thật với tiền của mình, xác định ưu tiên trước hết là bạn, tinh thần của bạn, những người thương xung quanh bạn, rồi mới đến làm gì, đầu tư ra sao… chúng ta đã đi hai bước đầu tiên trên hành trình Gây dựng tài sản rồi đó. Tiếp theo, bạn có lẽ đã sẵn sàng để đi đến nguyên tắc quan trọng thứ 3 rồi. Để biết nguyên tắc này là gì, mình xin mạn phép chia sẻ một nghịch lý dễ thương của tiền bạc nghe: Sự giàu có là thứ bạn không nhìn thấy.
Mình nhớ cách đây nhiều năm, khi mình chơi chung hội tennis của ba mình, khi mà vẻ ngoài bảnh bao, có vẻ được ưu tiên hơn hết thảy mọi thứ. Mình thì vẫn mang trong mình tính dễ tin của một chàng trai mới đôi mươi.
Nếu ai đó đến sân trong một chiếc xe hơi, thì giả định ngay lập tức của mình sẽ là anh chàng hay cô nàng cầm lái hẳn là thành đạt trong vấn đề tài chính lắm. Nhưng khi mình lớn hơn một chút, và trò chuyện với nhiều anh chị, tiền bối, tạm cho là thành công đi, thì mình nhận ra là điều đó không hẳn lúc nào cũng đúng.
Mình nhớ có một anh chàng, mà chúng ta tạm gọi là anh H. đi. anh H. lớn hơn mình tầm 5 tuổi, chơi tennis cực siêu, anh là người chỉ cho mình đánh phải tay thế này, đánh trái tay thế kia. Những hôm anh em đến sân sớm, anh bày mình những di chuyển trên sân sao cho hiệu quả, với một đứa vốn dĩ có thể lực không tốt như mình anh H. đúng là “ông bụt sân quần vợt”. Mình lúc đầu chẳng biết anh H. làm nghề gì, chỉ biết là anh lái một con xe trông rất ngầu, và chơi tennis rất nghệ, điều này đủ để khiến mình tin là anh H. thành công tài chính ở mức độ nhất định. Này nhé, chắc phải có tài sản nhiều lắm, mới có khả năng đốt nhiều tiền cho một chiếc xe hơi oách xà lách như vậy chớ, cái thằng mình năm 20 tuổi đã nghĩ vậy đó.
Bẵng một cái, anh H. không tới sân một thời gian. Đoạn, anh xuất hiện với một chiếc xe cũ hơn. Và những lần kế cũng thế. Mình tự hỏi “Điều gì xảy ra với con xe chiến của anh ấy vậy nhỉ?”, đến một ngày, khi 2 anh em đứng chung sân, sau một game đấu, mình không giữ ý nữa, buột miệng hỏi, anh cười hề hề và bảo “Nó bị thu hồi rồi Cường ạ”, anh phản hồi như thể đó là việc xảy ra thường ngày. Chuyện thường như cân đường hộp sữa ấy…
Đến bây giờ, mình vẫn rất quý anh H., anh là người dễ mến, anh là người thầy đầu tiên dạy mình chơi tennis. Sau này, mình nhận ra, anh cũng là một trong những người thầy đầu tiên dạy mình về tài chính cá nhân nữa, anh dạy mình là chúng ta thường có xu hướng đánh giá sự giàu có qua những thứ mà ta thấy, mà ta không thực sự hiểu bản chất của sự việc.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại khiến việc khiến mọi người có xu hướng ‘fake it until make it’, khiến cho việc ‘tỏ ra giàu có’ là việc cần làm, phải làm, khiến chủ nghĩa tiêu thụ phát triển.
Tất nhiên, cũng có những người sở hữu nhiều của cải, và vẫn tiêu rất nhiều tiền cho mọi thứ. Nhưng ngay cả thế, thì điều ta thấy chỉ là những thứ họ cho chúng ta thấy, không phải là những thứ họ ‘thực sự’ có. Chúng ta không thấy tài khoản tiết kiệm, hay danh mục đầu tư của họ. Chúng ta thấy ngôi nhà họ chọn mua, chứ không phải những ngôi nhà họ có thể mua, nếu họ vung tay…
Ngoài kia, đầy rẫy những người có vẻ ngoài khiêm tốn, nhưng thực chất lại sở hữu nhiều của cải, và những người trông giàu có nhưng lại sống trên bờ vực vỡ nợ. Mong bạn nhớ điều này khi bạn đánh giá mức độ tài chính của những người khác, và tự đặt mục tiêu cho mình, cũng như lựa chọn … theo học ai trên hành trình gây dựng tài sản.
Lúc này, là lúc bạn tự hỏi bản thân nè: “Ai đó thân cận với mình đang vi phạm các nguyên tắc của tiền bạc?” Nếu CHÍNH BẠN vẫn đang vi phạm bất kỳ nguyên tắc nào, hãy ghi cả tên bạn vào. Bạn cần liệt kê thật cụ thể, ghi rõ tên của từng người, và mối quan hệ của người đó với bạn. Mình hiểu, người đó có thể là bạn đời của bạn, con bạn, đứa bạn thân của bạn, hay ai đó thân cận… 1. 2. 3. 4. 5.
Theo ý kiến cá nhân của bạn, những nguyên tắc về tiền bạc mà [người này] đang vi phạm là gì?
1.
2.
3.
4.
5.
Những ảnh hưởng của [người này] đối với tình trạng tài chính của bạn?
1.
2.
3.
4.
5.
Đến đây, mình mong bạn hãy tạm dừng podcast một chút, ngẫm nghĩ, và cmt chia sẻ với mình những nguyên tắc về tiền bạc mà [người này] đang vi phạm, và ảnh hưởng của [người ấy] đến tình trạng tài chính của bạn nghe.
—
Thay cho lời kết, mình nghĩ nhiều bạn bắt đầu băn khoăn với mình là, nếu sự thịnh vượng là thứ khiến bạn cần phải để ý thói quen của những người xung quanh, hay hạn chế tiêu xài, thì nó có vẻ hơi thái quá hở Cường? Vậy hãy để mình chia sẻ với bạn nguyên tắc thứ 3: Hãy để ý những người bạn kết giao. Và tiết kiệm tiền, trước khi đầu tư nhe 😉