Theo quan điểm của tôi, triết lý đầu tư chứng khoán có nhiều điểm tương đồng với đầu tư bất động sản hơn là các kênh đầu tư khác như vàng, FX hay Bitcoin. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán phức tạp hơn nhiều, khiến những người mới tiếp cận cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu. Từ đó, họ sẽ có những phản ứng khác nhau.
Có những người vì không biết bắt đầu từ đâu nên không dám đầu tư, hoặc thấy nhiều người thua lỗ quá nên sợ hãi, không dám tham gia vào thị trường.
Rất nhiều học viên khi đến với chúng tôi chia sẻ rằng thị trường đang biến động mạnh, và họ băn khoăn về việc có nên đầu tư hay không. Một số thì dựa vào lời khuyên của một KOL nào đó, người này nói nên mua cổ phiếu này hay cổ phiếu kia, nên họ muốn tham gia đầu tư.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều người hỏi tôi rằng nên bắt đầu đọc sách nào để hiểu về triết lý đầu tư chứng khoán, bởi vì họ không biết phải bắt đầu từ đâu.
Thực tế, trong triết lý đầu tư, nếu chúng ta loại bỏ kỳ vọng về việc mua đáy bán đỉnh, tức là tối đa hóa lợi nhuận, theo tôi đó là một kỳ vọng không hợp lý, đặc biệt là với những người mới tham gia thị trường. Nếu chúng ta bỏ qua kỳ vọng này, việc kiếm lời từ thị trường cổ phiếu là một mục tiêu hoàn toàn khả thi.
Đây là một kênh đầu tư thực sự khá an toàn và ổn định. Thực tế, đầu tư chứng khoán không hề phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ, nếu chúng ta hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản và dành đủ thời gian hợp lý cho việc này.
Các trường phái, nguyên tắc, triết lý đầu tư giá trị
Có rất nhiều triết lý và nguyên tắc đầu tư khác nhau, nhưng ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ về trường phái đầu tư, không phải trường phái trading, tức là phương pháp kinh doanh dựa trên giá cổ phiếu, hay còn gọi một cách nôm na là đầu cơ.
Trong đầu tư, thực sự có rất nhiều nguyên tắc, trường phái, và triết lý khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tất cả đều quy về một nguyên tắc chung, đó là triết lý “Good Company Cheap Price” – nghĩa là tìm kiếm những công ty tốt và mua chúng với mức giá rẻ hoặc hợp lý.
Đây không phải là nguyên tắc do tôi tự tạo ra, mà là những triết lý đầu tư phổ biến được nhiều nhà đầu tư kỳ cựu trên thế giới áp dụng.
Benjamin Graham, người sáng lập ra triết lý phân tích giá trị và đầu tư giá trị, cùng với học trò xuất sắc nhất của ông là Warren Buffett, là hai người mà hầu hết các nhà đầu tư đều biết đến. Họ là những người tiên phong cho triết lý đầu tư giá trị, tức là xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp và mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại đó.
Có những nhà đầu tư sau này, có thể ở Việt Nam ít được biết đến, nhưng cũng rất thành công và nổi tiếng, như:
Terry Smith, được mệnh danh là “Warren Buffett của nước Anh,” là một nhà đầu tư nổi tiếng với tỷ suất sinh lời liên tục đạt khoảng 20% trong vòng 15-25 năm. Ông theo đuổi triết lý đầu tư giá trị như Warren Buffett, nhưng đồng thời cũng viết cuốn sách về đầu tư vào tăng trưởng, “Investing for Growth”.
Một nhà đầu tư khác nổi tiếng mà nhiều người biết đến là Peter Lynch. Quỹ đầu tư mà ông quản lý đã duy trì mức tăng trưởng liên tục trong suốt 20-35 năm, với tỷ suất sinh lời trung bình khoảng 25-30% hàng năm. Lynch là người áp dụng triết lý đầu tư vào các ngành hàng và lĩnh vực có sự tăng trưởng ổn định.
Ngoài ra, có một số nhà đầu tư và phương pháp ít được biết đến hơn, nhưng họ cũng đã đạt được kết quả ấn tượng từ các triết lý đầu tư của mình.
Điển hình như Seth Klarman với triết lý đầu tư giá trị, người từng chia sẻ rằng đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng chỉ là những thuật ngữ. Thực chất, dù là đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng, mục tiêu cuối cùng vẫn là tìm ra những công ty tốt và mua chúng với giá rẻ hoặc hợp lý.
Joel Greenblatt, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton, đã phát triển một công thức nổi tiếng mang tên “The Magic Formula” – Công thức Kỳ diệu, để tìm ra những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao và đang được giao dịch với giá thấp.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến các phương pháp của William O’Neil, người đã phát triển hệ thống C.A.N.S.L.I.M, một triết lý đầu tư độc đáo kết hợp cả yếu tố tăng trưởng và giá trị.
Đó là những tên tuổi trong trường phái đầu tư giá trị hoặc là đầu tư, phân tích cơ bản mà những người chuyên sâu vào trường phái này đều đã biết đến.
Triết lý đầu tư Good Company Cheap Price là gì?
Sau khi nghiên cứu toàn bộ những triết lý đầu tư của các nhà đầu tư kỳ cựu và thành công, có thể tóm gọn rằng tất cả những triết lý đó đều xoay quanh “Good Company, Cheap Price” – “Công ty tốt, giá rẻ”. Triết lý này có thể được hiểu đơn giản là việc tìm kiếm những công ty tốt và cố gắng mua chúng ở mức giá rẻ.
Tuy nhiên, trong số các nhà đầu tư mà chúng ta đã nhắc đến, mỗi người lại có những ưu tiên và quan tâm đặc biệt khi nói đến định nghĩa về một “Good Company” – Công ty tốt.
Ví dụ như:
- Triết lý đầu tư của Warren Buffett và Terry Smith đều đặc biệt chú trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp, vì theo họ, mục tiêu quan trọng nhất của một doanh nghiệp là tạo ra tiền mặt chứ không phải chỉ là lợi nhuận trên sổ sách.
- Benjamin Graham thì tập trung vào giá trị sổ sách, lợi nhuận, cũng như khả năng chi trả cổ tức của doanh nghiệp.
- Những nhà đầu tư trẻ hơn như Peter Lynch lại có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành nghề đơn giản và dễ hiểu.
- Joel Greenblatt thì đánh giá cao khả năng sinh lời trên vốn đầu tư của doanh nghiệp.
- Trong khi đó, phương pháp C.A.N.S.L.I.M của William O’Neil lại đặt trọng tâm vào EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của doanh nghiệp.
Mặc dù có những quan điểm khác nhau đôi chút, tất cả đều tập trung vào việc tìm kiếm những công ty tốt, nơi mà khái niệm “Good Company” được thể hiện qua khả năng sinh lời và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Triết lý đầu tư “Good Company, Cheap Price” chính là phương pháp mà tôi theo đuổi và hướng dẫn cho học viên trong các khóa học đầu tư. Mục tiêu là giúp các bạn tìm ra những công ty tốt và mua chúng với mức giá rẻ, hoặc ít nhất là ở mức giá hợp lý.
Dù con đường mỗi người đi có thể khác nhau đôi chút do hoàn cảnh, kinh nghiệm, hay nền tảng cá nhân, nhưng đều hướng đến việc đầu tư đúng đắn, thay vì chỉ nhìn vào giá cổ phiếu để mua bán một cách ngắn hạn.
Giảng viên Khóa học Đầu tư chứng khoán thông minh – Tôi là ai?
Tôi là Nguyễn Thị Thùy Dương – hiện đang là giảng viên của khóa học Đầu tư chứng khoán thông minh – The Intelligent Investor mà tôi đang giảng dạy áp dụng triết lý đầu tư Công ty tốt, giá rẻ.
Triết lý đầu tư mà tôi theo đuổi thực sự khá đơn giản, khác biệt so với nhiều học viên đến với tôi, những người chưa có kinh nghiệm về tài chính. Tôi đã được đào tạo bài bản về lĩnh vực này và có kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ở nhiều khía cạnh khác nhau.
- Từ góc độ của một quỹ đầu tư khi rót vốn vào doanh nghiệp,
- Đến vai trò của một ngân hàng khi cho vay,
- Và từ góc nhìn tài chính doanh nghiệp, tức là cách doanh nghiệp quản lý tài chính nội bộ.
Vì vậy, tôi có cái nhìn đánh giá khá toàn diện từ nhiều khía cạnh khác nhau về các con số trong doanh nghiệp. Có lẽ do đó, triết lý đầu tư của tôi mang tính bảo thủ và ưu tiên sự an toàn.
Những kinh nghiệm để đời trên hành trình đầu tư
Con đường đầu tư của tôi đến với triết lý “Good Company, Cheap Price” gần như là một điều tất yếu. Tuy nhiên, trong thời tuổi trẻ, ở khoảng 26-27 tuổi, tôi cũng từng có những lúc mạo hiểm, thử nghiệm những phương pháp đầu tư khác.
Năm 2007, khi thị trường đang cực kỳ nóng và ai đầu tư vào cái gì cũng có thể kiếm tiền dễ dàng, việc nghe người khác nói trở thành một thói quen và quán tính. Dù bản thân tôi làm việc trong ngành tài chính, tôi vẫn bị cuốn theo những lời khuyên như “mua FPT đi” hay “mua Mai Linh đi.”
Lúc đó, thị trường tăng trưởng rất nhanh, và dù chưa có Zalo hay các nhóm phím hàng như bây giờ, việc nghe những thông tin mua bán từ người khác khiến tôi nghĩ rằng mình có chút đặc quyền. Nhưng thực tế, tất cả những khoản đầu tư mà tôi thực hiện dựa trên lời đồn hay sự rủ rê đều dẫn đến thua lỗ và gây ra những tổn thất tài chính đáng kể.
Vào các năm 2009-2010, sau khi trải qua những sai lầm như vậy, bạn bè tôi lại khoe rằng họ có thể kiếm tiền nhanh chóng từ đầu cơ, từ trading, mua đi bán lại cổ phiếu với lợi nhuận rất cao. Tôi cũng đã thử đưa tiền cho bạn mình để tham gia theo phong cách đầu tư đó, và tính đến ngày hôm nay, số tiền đó vẫn chưa được thu hồi.
Sau đó, tôi đã gặp gỡ những người thầy của mình, và thầy khuyên tôi rằng:
“Hãy quay lại với những triết lý đầu tư cơ bản mà em đã học. Trước khi quay lại thị trường, hãy đọc cuốn sách ‘The Madness of Crowds’, một tác phẩm nói về lòng tham của con người”, em cần học cách kiểm soát lòng tham và nỗi sợ hãi của mình”.
Cuốn sách này thảo luận về những giai đoạn hỗn loạn của thị trường trong quá khứ, với những cơn sốt như cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan hay cơn sốt vàng. Thầy tôi nói rằng, khi đọc cuốn sách này, ta sẽ hiểu rằng sau mỗi cơn sốt sẽ có những cơn sốt khác, và nếu để lòng tham dẫn dắt, chúng ta sẽ dễ dàng bị cuốn theo những cơn sốt đó.
Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi mới có được sự vững vàng để tham gia lại thị trường chứng khoán, đồng thời quyết tâm theo đuổi triết lý đầu tư “Good Company, Cheap Price.” Tôi đã tự mình tìm ra những tài sản, những công ty có giá trị thực sự để mua và đầu tư lâu dài.
Một số ý kiến cho rằng “Triết lý đầu tư cơ bản chỉ phù hợp ở nước ngoài, không phù hợp ở Việt Nam?”
Đầu tư là quá trình tìm kiếm tài sản tốt ở mức giá rẻ hoặc hợp lý, và đó là lý do tôi cho rằng triết lý đầu tư vào bất động sản và chứng khoán có nhiều điểm tương đồng. Khi mua bất động sản, chúng ta luôn mong muốn sở hữu một tài sản tốt, có vị trí đẹp, pháp lý rõ ràng, không bị kẹt đường, không bị ngập nước, v.v., nhưng cũng cần mua với mức giá hợp lý.
Trong đầu tư, luôn phải có hai yếu tố quan trọng: một là tài sản tạo ra giá trị, và hai là mức giá của tài sản đó.
Đối với chứng khoán, tài sản chính là công ty, chính là doanh nghiệp. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ tập trung vào mức giá mà bỏ qua những yếu tố khác, rõ ràng chúng ta đang đánh mất lợi thế và không hiểu sâu sắc bản chất thực sự của việc đầu tư chứng khoán. Điều này khiến chúng ta dễ dàng mất tiền, dễ bị dao động và dễ bị cuốn vào những cơn sốt của thị trường.
Tất nhiên, có không ít ý kiến phản đối hoặc trái chiều với triết lý đầu tư này, và có lẽ cũng nhiều người theo xu hướng phản đối này. Họ cho rằng triết lý đầu tư dựa trên phân tích cơ bản gặp nhiều thách thức.
Một trong những thách thức lớn nhất là ở Việt Nam, việc thực hiện điều này rất khó khăn, bởi vì các công ty thường thao túng số liệu. Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta có thể thực sự tìm ra được một Good Company?
Lý do thứ hai khiến nhiều người không tin vào triết lý đầu tư này là vì họ cho rằng thị trường chứng khoán đã có một lý thuyết được nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, rằng thị trường chứng khoán là một thị trường hiệu quả (efficient market).
Theo lý thuyết này, tất cả các tin tức, dù tốt hay xấu, đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tin tức tốt và công ty tốt thì giá cổ phiếu đã phản ánh điều đó, và ngược lại, tin tức xấu và công ty kém hiệu quả cũng đã được phản ánh vào giá. Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra một công ty tốt với giá rẻ?
Một lập luận khác mà người phản đối triết lý đầu tư này thường đưa ra là, nếu mọi thông tin đã được phản ánh vào giá, thì chúng ta chỉ cần nhìn vào giá cổ phiếu là đủ, đúng không?
Một phản bác phổ biến khác là: Làm sao quá khứ có thể quyết định được tương lai? Nếu chúng ta dựa vào số liệu quá khứ để đánh giá tương lai của một công ty, liệu có sai lầm và không toàn diện không?
Ba quan điểm này thường là những ý kiến mà bạn sẽ gặp phải khi theo đuổi triết lý đầu tư này.
Tuy nhiên, khi chúng ta đi sâu vào triết lý đầu tư này, chúng ta sẽ nhận ra rằng thị trường không bao giờ hoàn hảo và cũng không bao giờ hoàn toàn hiệu quả, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Chính vì vậy, sẽ có nhiều thời điểm mà chúng ta có thể tìm thấy những công ty tốt và mua chúng với giá rẻ. Việc nghiên cứu và dành thời gian để tìm ra những công ty tốt giúp chúng ta tránh được việc mua phải các công ty có dấu hiệu thao túng số liệu hay làm đẹp sổ sách.
Chỉ bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng và với mục tiêu tìm kiếm các công ty tốt, chúng ta mới có thể loại bỏ được những công ty gian lận như vậy. Do đó, theo tôi, trong đầu tư chứng khoán, con đường duy nhất để chúng ta có thể chiến thắng và kiếm lợi nhuận là đi theo con đường tìm kiếm những tài sản tốt với mức giá rẻ, đó chính là triết lý “Good Company, Cheap Price.”
Về quan điểm cho rằng quá khứ không thể quyết định tương lai, điều này đúng. Một công ty tốt trong quá khứ chưa chắc đã tiếp tục phát triển tốt trong tương lai. Tuy nhiên, theo triết lý đầu tư, xác suất để những công ty tốt có thể vượt qua các khủng hoảng trong tương lai thường sẽ cao hơn rất nhiều.
Những công ty đã có dấu hiệu yếu kém trong quá khứ và việc nghiên cứu báo cáo tài chính cùng các số liệu quá khứ của một công ty tương tự như lời khuyên của ông bà ta: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống.” Rất nhiều lời khuyên nhấn mạnh rằng, việc nhìn vào lịch sử giúp chúng ta dự đoán tương lai.
Lịch sử có thể lặp lại hoặc không, nhưng một cơ thể khỏe mạnh trong quá khứ có xác suất cao hơn để vượt qua bệnh tật và khó khăn trong tương lai. Triết lý đầu tư này cũng áp dụng tương tự khi chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử của một công ty.
Như tôi đã chia sẻ, triết lý đầu tư xoay quanh việc tìm ra tài sản cho mình, mua nó và giữ nó với hy vọng rằng tài sản đó sẽ sinh lời theo thời gian. Con đường tìm kiếm tài sản, dù trong chứng khoán hay bất động sản, đều tương tự nhau: đó là tìm kiếm “Good Asset” và “Cheap Price” – tức là tìm ra một tài sản tốt và mua nó với mức giá rẻ.
Vì sao trading, đầu cơ chỉ dành cho người chuyên nghiệp, không phải cho tất cả mọi người
Vì trading và đầu cơ dựa trên biến động giá cổ phiếu chỉ dành cho những người chuyên nghiệp. Họ là những người có thể ngồi hàng giờ để theo dõi giá cổ phiếu. Còn hầu hết chúng ta đều có công việc khác phải làm và không có thời gian theo dõi giá thường xuyên, vì vậy việc trading gần như là điều không thể.
Khi chọn triết lý đầu tư “Good Company, Cheap Price” – “Công ty tốt, giá rẻ” làm kim chỉ nam, chúng ta có xu hướng sử dụng lý trí nhiều hơn, từ đó giúp cân bằng cảm xúc, kiểm soát được nỗi sợ hãi và lòng tham trong quá trình đầu tư.
Vì vậy, khi chúng ta hành động theo lý trí, chúng ta sẽ giảm bớt việc hành động theo cảm xúc, điều này rất quan trọng nếu bạn muốn thành công trong đầu tư. Thành công trong đầu tư đòi hỏi chúng ta phải hành động dựa trên lý trí.
Việc tìm ra một công ty tốt và mua nó với giá rẻ đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm, kiến thức về tài chính, khả năng đọc hiểu báo cáo tài chính, và biết cách đánh giá những thông tin ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tài sản đó.
Con đường, nguyên tắc, triết lý đầu tư nào cho những người mới bắt đầu?
Hy vọng rằng nếu bạn tin tưởng vào triết lý đầu tư này, bạn có thể tìm hiểu thêm về những nhà đầu tư kỳ cựu mà tôi đã chia sẻ ở trên. Họ đã thực hiện triết lý “Good Company, Cheap Price” – tìm ra các công ty tốt và mua chúng với mức giá rẻ – như thế nào. Qua đó, bạn có thể tích lũy kiến thức và xây dựng cho mình một phương pháp đầu tư riêng, dựa trên những nguyên tắc đã được chứng minh này.
Còn nếu không các bạn có thể tham gia Khóa học Đầu tư chứng khoán thông minh – The Intelligent Investor của chúng tôi, trong nội dung của khóa học đã có tổng hợp và có định hướng riêng cho triết lý “Good Company, Cheap Price”, giúp bạn tìm ra được con đường đầu tư của chính mình.